X

Thuế nhà thầu nước ngoài

Thuế nhà thầu nước ngoài và các điều khoản thương mại quốc tế Incoterms 2010

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/04/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2012, thay thế cho Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008) thì đối tượng áp dụng nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo Thông tư này bao gồm:

“2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hoá tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc cung cấp hàng hoá theo điều kiện giao hàng DDP, DAT, DAP (Các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms).”

Vậy việc cung cấp hàng hoá theo các điều kiện giao hàng DDP, DAT, DAP có nghĩa là gì? Tại sao việc cung cấp hàng hoá theo 03 điều kiện giao hàng này thì thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu còn theo các điều kiện khác thì không? Đây là một vấn đề mới được quy định trong Thông tư số 60/2012/TT-BTC mà trước đây Thông tư số 134/2008/TT-BTC chưa đề cập đến. Vì vậy, để giúp cho người nộp thuế cũng như công chức thuế tìm hiểu về vấn đề này, bài viết này xin được trình bày, trao đổi một số nội dung về các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms) liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế nhà thầu nước ngoài.

Incoterms (viết tắt của International Commerce Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là những điều khoản thiết yếu trong hoạt động thương mại quốc tế, là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterms quy định những quy tắc có liên quan đến giá cả, trách nhiệm của người bán, người mua và thời điểm chuyển giao rủi ro giữa người mua và người bán trong một hoạt động thương mại quốc tế, chẳng hạn như: Ai sẽ trả tiền vận tải, ai sẽ đảm trách các chi phí về thủ tục hải quan, bảo hiểm hàng hoá, ai chịu trách nhiệm về những tổn thất và rủi ro của hàng hoá trong quá trình vận chuyển, thời điểm chuyển giao trách nhiệm về hàng hoá giữa các bên tính từ khi nào …

Bắt đầu kể từ ngày 01/01/2011, bộ Incoterms 2010 do Phòng Thương mại quốc tế(International Chamber of Commerce – ICC) ban hành đã được đưa vào sử dụng thay thế cho bộ Incoterms 2000 đang sử dụng trước đó. Incoterms  2010 là lần sửa đổi thứ tám đối với Incoterms kể từ khi bộ qui tắc này ra đời vào năm 1936. So với Incoterms 2000, Incoterms 2010 giảm từ 13 xuống còn 11 điều khoản, trong đó bỏ đi 04 điều khoản là DAF (Delivered at Frontier – giao tại biên giới), DES (Delivered Ex-ship – Giao từ tàu chở hàng nơi đến), DEQ (Delivered Ex-Quay – Giao tại cầu cảng nơi đến) và DDU (Delivered Duty Unpaid – Giao chưa nộp thuế), đồng thời bổ sung thêm 2 điều khoản mới là DAT (Delivered at Terminal – Giao tại bến) và DAP (Delivered at Place – Giao tại địa điểm đến).

Các nội dung chính của 11 điều khoản (điều kiện giao hàng) theo Incoterms 2010 có thể được tóm tắt như sau:

(1) EXW(Ex Works – Giao tại xưởng): Người mua sẽ chịu toàn bộ phí tổn và rủi ro trong việc đưa hàng từ đầu người bán đến điểm cuối cùng. Người bán có trách nhiệm đặt hàng dưới quyền định đoạt của người mua tại nơi giao hàng (xưởng, nhà máy, nhà kho). Điều khoản này thể hiện trách nhiệm tối thiểu của người bán. Điều khoản này được dùng cho tất cả các hình thức vận chuyển.

(2) FCA (Free Carrier – Giao cho nhà chuyên chở): Người bán có nghĩa vụ giao hàng, làm thủ tục xuất khẩu cho đến tận khi giao cho nhà chuyên chở được chỉ định bởi người mua tại điểm hoặc địa điểm đã được chỉ định. Nếu người mua không chỉ rõ địa điểm giao hàng chính xác, người bán sẽ chọn trong những điểm hoặc địa điểm nơi mà nhà chuyên chở sẽ nhận hàng. Khi người bán được yêu cầu hỗ trợ tìm và ký hợp đồng với nhà chuyên chở, trách nhiệm rủi ro và phí tổn ngươi mua sẽ phải gánh chịu. Điều khoản này được dùng cho tất cả các hình thức vận chuyển.

(3) CPT (Carriage Paid To – Trả cước tới): Người bán trả cước vận chuyển đến đích. Rủi ro về hư hỏng và mất mát hàng hóa sau khi hàng đã được giao cho người chuyên chở sẽ được chuyển từ người bán sang người mua. Điều khoản này người bán có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu. Điều khoản này cũng được dùng cho tất cả các hình thức chuyên chở.

(4) CIP (Carriage & insurance Paid to – Trả cước và bảo hiểm tới): Người bán có nghĩa vụ giống như điều kiện CPT nhưng có thêm trách nhiệm mua bảo hiểm cho những rủi ro về hư hại, tổn thất hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển. Người bán có nghĩa vụ làm thủ tục xuất khẩu, tuy nhiên chỉ có trách nhiệm mua bảo hiểm ở mức thấp nhất. Điều khoản này cho phép sử dụng với tất cả các loại hình chuyên chở.

(5) FAS (Free Alongside Ship – Giao tại mạn tàu): Người bán được cho là hoàn tất nghĩa vụ giao hàng khi hàng được đặt cạnh mạn tàu tại cảng giao hàng, từ thời điểm này người mua sẽ chịu mọi phí tổn về rủi ro về hàng hóa. Người mua đồng thời có nghĩa vụ làm thủ tục xuất khẩu. Điều khoản này chỉ sử dụng trong vận chuyển đường biển hoặc đường sông.

(6) FOB (Free On Board – Giao lên tàu): Người mua chịu mọi phí tổn và rủi ro ngay sau khi hàng được giao qua lan can tàu tại cảng xuất khẩu. Người bán có nghĩa vụ làm thủ tục xuất khẩu. Điều khoản này chỉ áp dụng cho vận tải đường biển hoặc đường sông.

(7) CFR (Cost and Freight – Trả cước đến bến): Người bán chịu các phí tổn và trả cước vận chuyển đến cảng đích. Thời điểm chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua là ngay sau khi hàng được giao qua lan can tàu tại cảng xuất. Người bán có nghĩa vụ làm các thủ tục xuất khẩu. Điều khoản này chỉ áp dụng cho vận chuyển đường biển và đường sông.

(8) CIF (Cost, Insurance & Freight – Trả cước và bảo hiểm đến bến): Người bán có nghĩa vụ giống như điều khoản CFR tuy nhiên người bán có thêm nghĩa vụ mua bảo hiểm rủi ro về hư hại và tổn thất hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển.  Người bán có nghĩa vụ làm các thủ tục xuất khẩu. Điều khoản này chỉ áp dụng cho vận tải đường biển hoặc đường sông.

(9) DAT (Delivered At Terminal – Giao tại bến): Là điều kiện mới bổ sung trong Incoterms 2010, thay thế cho điều khoản DEQ (Delivered Ex-Quay – Giao tại cầu cảng nơi đến)trong Incoterms 2000. Điều kiện này có thể được sử dụng cho tất cả các loại hình chuyên chở. Người bán chỉ được coi là đã giao hàng khi hàng hóa được dỡ từ phương tiện vận tải xuống bến, cảng hoặc địa điểm đích được chỉ định và đặt dưới sự định đoạt của người mua. “Bến” bao gồm cả cầu tàu, nhà kho, bãi container hay đường bộ, đường sắt hay nhà ga sân bay. Hai bên thỏa thuận về bến giao và nếu có thể ghi rõ địa điểm trong bến nơi là thời điểm chuyển giao rủi ro về hàng hóa từ người bán sang người mua. Nếu như người bán chịu các chi phí vận chuyển từ bến đến một địa điểm khác thì các điều khoản DAP hay DDP sẽ được áp dụng. Trách nhiệm: Người bán có nghĩa vụ đặt hàng đến nơi được ghi trong hợp đồng; Người bán có nghĩa vụ đảm bảo rằng hợp đồng chuyên chở của họ là cho hợp đồng mua bán hàng hóa; Người bán có nghĩa vụ làm các thủ tục xuất khẩu; Người mua có nghĩa vụ làm các thủ tục nhập khẩu, thủ tục hải quan và nộp thuế; Nếu hai bên thỏa thuận rằng người bán chịu các phí tổn và rủi ro từ bến đích đến một địa điểm khác thì sẽ áp dụng điều khoản DAP.

(10) DAP (Delivered At Place – Giao tại địa điểm đến): Là điều kiện mới bổ sung trong Incoterms 2010, thay thế cho các điều khoản DAF (Delivered at Frontier – giao tại biên giới), DES (Delivered Ex-ship – Giao từ tàu chở hàng nơi đến), và DDU (Delivered Duty Unpaid – Giao chưa nộp thuế) trong Incoterms 2000. Điều kiện này có thể được sử dụng cho tất cả các loại hình chuyên chở. Người bán giao hàng khi hàng hóa đặt dưới quyền định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải đã đến đích và sẵn sàng cho việc dỡ hàng xuống địa điểm đích. Các bên được khuyến cáo nên xác định càng rõ càng tốt điểm giao hàng tại khu vực địa điểm đích, bởi vi đó chính là thời điểm chuyển giao rủi ro về hàng hóa từ người bán sang người mua. Nếu người bán có nghĩa vụ làm thủ tục nhập khẩu, nộp thuế… điều khoản DDP sẽ được áp dụng. Trách nhiệm: Người bán có nghĩa vụ và rủi ro giao hàng đến địa điểm thỏa thuận; Người bán được yêu cầu ký hợp đồng vận chuyển thích hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa; Người bán có nghĩa vụ làm các thủ tục xuất khẩu; Các phí tổn dỡ hàng tại điểm đích, nếu không có thỏa thuận trước, người bán sẽ không phải gánh chịu; Người mua có nghĩa vụ hỗ trợ cung cấp các giấy tờ cần thiết để làm hải quan và nộp thuế.

(11) DDP (Delivered Duty Paid – Giao đã trả thuế): Người bán có nghĩa vụ giao hàng đến địa điểm thỏa thuận tại nước nhập khẩu, bao gồm việc chịu hết các phí tổn và rủi ro cho đến khi hàng đến đích, gồm cả các chi phí thuế và khai hải quan.  Điều khoản này không phân biệt hình thức vận chuyển.

Như vậy, một điểm có thể nhận thấy theo thứ tự các điều khoản (điều kiện giao hàng) từ  (1) đến (11) nêu trên là: trách nhiệm của người bán tăng dần trong khi trách nhiệm của người mua giảm dần. Nếu như tại Điều khoản 1 (EXW) thể hiện trách nhiệm tối thiểu của người bán và trách nhiệm tối đa của người mua thì ngược tại đến Điều khoản 11 (DDP) lại thể hiện trách nhiệm tối đa của người bán và trách nhiệm tối thiểu của người mua.

Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng 3 điều kiện giao hàng thuộc đối tượng áp dụng nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BTC nằm ở 3 vị trí cuối cùng 9(DAT), 10(DAP) và 11(DDP). Điểm chung của 3 điều kiện giao hàng này là thể hiện trách nhiệm tối đa của người bán cho đến khi giao hàng tại địa điểm do người mua chỉ định. Người bán chỉ được coi là đã giao hàng khi hàng hóa được dỡ từ phương tiện vận tải xuống bến, cảng hoặc địa điểm đích được chỉ định và đặt dưới sự định đoạt của người mua (DAT) hoặc khi hàng hóa đặt dưới quyền định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải đã đến đích và sẵn sàng cho việc dỡ hàng xuống địa điểm đích (DAP, DDP).

Trở lại với chính sách về thuế nhà thầu nước ngoài thì kể cả tại Thông tư 134/2008/TT-BTC cũng như tại Thông tư 60/2012/TT-BTC đều quy định đối tượng chịu thuế nhà thầu nước ngoài (bao gồm thuế GTGT và thuế TNDN) áp dụng trong trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: “điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam”. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư 60/2012/TT-BTC quy định về đối tượng chịu thuế GTGT:

“2. Trường hợp hàng hoá được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam; …”

Tương tự, tại Khoản 2, Điều 7 Thông tư 60/2012/TT-BTC quy định về thu nhập chịu thuế TNDN:

“2. Trường hợp hàng hoá được cung cấp dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam;…”

Từ đó, có thể thấy rằng sở dĩ 3 điều kiện giao hàng DAT, DAP, DDP được đề cập đến ở phần đối tượng áp dụng tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 60/2012/TT-BTC là do các điều khoản này quy định điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, đối với 08 điều khoản còn lại (từ điều khoản 1 – 8) thì thời điểm chuyển giao trách nhiệm về hàng hoá của người bán đều nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam nên không thuộc đối tượng áp dụng nộp thuế nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam./.

—————

Các nhà nhập khẩu sẽ phải cân nhắc hiệu quả từ việc lựa chọn DAP hay CIF so với 1% thuế nhà thầu thông qua ví dụ sau:

Ví dụ 2: Một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp VSIP (Bình Dương) được chào mời một lô hàng với giá CIF (Saigon Port) là 95.000 USD hoặc giá DAP (KCN VSIP) là 100.000 USD. Phần chênh lệch 5.000 USD xem như cước vận chuyển nội địa từ Saigon Port về KCN VSIP. Trong trường hợp này, nếu lựa chọn giá CIF sẽ có lợi hơn vì tiền thuế GTGT phải nộp cho 5.000 USD cước vận chuyển nội địa chỉ có 500 USD trong khi 1% thuế nhà thầu trên tổng trị giá lô hàng lên đến 1.000 USD. Ví dụ này sẽ cho ra một quy ước: nếu 10% của phần chênh lệch giá giữa DAP và CIF thấp hơn 1% tổng trị giá lô hàng thì không nên mua hàng theo giá DAP. Ngược lại, nếu cao hơn thì nên chọn DAP.

Hợp đồng tổng thầu xây lắp: Tỷ lệ GTGT tính trên toàn bộ giá trị Hợp đồng

Với Thông tư 134/2008/TT-BTC, các hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, đào tạo, vận hành, chạy thử nếu tách riêng được giá trị phần dịch vụ thì tỷ lệ GTGT để tính thuế GTGT chỉ căn cứ trên giá trị phần dịch vụ. Chỉ khi nào không tách riêng được phần giá trị dịch vụ thì mới tính tỷ lệ GTGT theo toàn bộ trị giá Hợp đồng.

Ví dụ 3: Một Hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có giá trị 120.000 USD, trong đó 20.000 USD là trị giá phần dịch vụ lắp đặt bảo hành thì số thuế GTGT cho Hợp đồng này chỉ có: 20.000 USD * 50% * 10% = 1.000 USD

Với Thông tư 60/2012/TT-BTC, nếu Hợp đồng nêu trên là tổng thầu “xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng” thì cho dù có tách riêng được giá trị phần dịch vụ, tỷ lệ GTGT cũng tính trên toàn bộ giá trị Hợp đồng (điểm b, Khoản 2, Điều 12). Cùng trường hợp với Ví dụ 3 nêu trên, nếu là hợp đồng tổng thầu xây lắp, số thuế GTGT phải nộp sẽ là: 120.000 USD * 30% * 10% = 3.600 USD

Nếu Nhà thầu chính chỉ thực hiện phần giá trị dịch vụ (20.000 USD), phần còn lại được giao cho Nhà thầu phụ thì doanh thu tính thuế GTGT trong trường hợp này được tính trên phần giá trị dịch vụ nhưng áp dụng tỷ lệ GTGT theo mức 50% thay vì 30%. Theo đó, số thuế GTGT phải nộp trong trường hợp này là: 20.000 USD * 50% * 10% = 1.000 USD.

Giảm trừ phần việc giao thầu khi tính thuế TNDN

Trước đây, tại Thông tư 134/2008/TT-BTC, khi giao lại một phần việc cho Nhà thầu phụ có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì giá trị công việc giao lại được giảm trừ khi tính thuế TNDN, không phân biệt Nhà thầu phụ đó có hay không có tên trong Danh sách thầu phụ đính kèm Hợp đồng nhà thầu.

Nay, theo quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 60/2012/TT-BTC, chỉ những công việc giao lại cho Nhà thầu phụ có tên trong Danh sách thầu phụ đính kèm Hợp đồng nhà thầu mới được giảm trừ khi tính thuế TNDN

Hoa hồng và chi phí bồi hoàn tái bảo hiểm sẽ bị tính thuế

Thông tư số 134/2008/TT-BTC chỉ tính thuế nhà thầu đối với “số tiền phí nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài” mà bên Việt Nam phải trả cho bên Nước ngoài (điểm b7, Khoản 3.1, Mục III).

Với quy định mới tại điểm b, Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 60/2012/TT-BTC, nếu bên cạnh số “số tiền phí nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài” có thêm khoản hoa hồng mà bên Việt Nam được hưởng hoặc khoản chi phí bồi hoàn cho khách hàng mà bên Việt Nam nhận để chi trả cho khách hàng thì các khoản này đều phải chịu thuế TNDN.

Khi nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài, nếu bên Nước ngoài nhận được khoản hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thì khoản hoa hồng này cũng chịu thuế TNDN.

————

Thay đổi mức thuế suất thuế TNDN

Bên cạnh việc bổ sung một số đối tượng chịu thuế TNDN, Thông tư số 60/2012/TT-BTC có thay đổi mức thuế suất thuế TNDN như sau:

Thông tư 134/2008/TT-BTC % Thông tư 60/2012/TT-BTC %
Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam 1 Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam {bao gồm cả cung cấp hàng hoá theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ (trừ trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài); cung cấp hàng hoá theo điều kiện giao hàng DDP, DAT, DAP (Các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms)} 1
Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm 5 Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm, thuê giàn khoan 5
Dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, casino 10
Xây dựng 2 Xây dựng, lắp đặt có bao thầu hoặc không bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng 2
Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không) 2 Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không) 2
Cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển 2 Cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển 2
Tái bảo hiểm 2
Chuyển nhượng chứng khoán 0,1 Chuyển nhượng chứng khoán, tái bảo hiểm ra nước ngoài, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm 0,1
Lãi tiền vay 10 Lãi tiền vay 5
Thu nhập bản quyền 10 Thu nhập bản quyền 10
Dịch vụ tài chính phái sinh 2

Theo bảng trên, dịch vụ tái bảo hiểm được áp dụng chung mức thuế suất 0,1% với chuyển nhượng chứng khoán; Lãi tiền vay giảm từ 10% xuống còn 5%.