X

Giải thích điều không thể giải thích

Giải thích điều không thể giải thích

Hôm nay là một ngày trời trong, sáng sủa, nhiều nắng. Kiểu ngày rực rỡ mà cứ nhắc đến mùa hè là người ta sẽ nghĩ tới ngay. Kiểu ngày dường như thúc giục chúng ta lười biếng, chỉ ngồi với một cốc nước chanh thật lạnh, dưới bóng cây, và nghe nhạc hoặc chơi game.

Đúng, là mùa hè. Đi bơi. Trời xanh. Cỏ xanh. Yên ổn. Dễ chịu.

Tôi nói ra những điều này vì hôm qua là một kiểu ngày mùa hè hoàn toàn khác. Nó bắt đầu… ừm, hoàn toàn là mùa hè. Nhưng đến trưa, những đám mây báo bão tối sầm tụ lại, che khuất Mặt Trời. Những cơn gió nhẹ dịu dàng của mùa hè vào buổi sáng biến thành những đợt gió mạnh quần quật, rồi biến thành thứ gì đó còn khủng khiếp và đáng sợ hơn nữa. Những đám mây dường như mọc ra những ngón tay hình ống, dày cộp, xoáy tít tìm đường xuống mặt đất. Chỉ trong vòng vài khoảnh khắc, một cơn bão lớn đã quét qua thành phố, cách nơi tôi học không đầy 10km, tạo ra một cảnh tượng tan hoang, cả những thương tổn, và cả chết chóc.

“Đối với rất nhiều việc xảy ra trong cuộc sống, thì không một lời giải thích bình thường nào là hợp lý”

Các nhà khí tượng học địa phương vẫn đang cố giải thích tại sao một cơn bão có thể đổ xuống thung lũng bình yên của chúng tôi. Những ngọn núi bao quanh khu chúng tôi ở được cho là luôn bảo vệ chúng tôi khỏi những thảm họa như thế. Ít nhất, đó là những gì mà cô giáo dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 9 của tôi nói. Và đó cũng là những gì bố mẹ vẫn nói với đứa em 5 tuổi của tôi, sau khi nó xem phim “Phù thủy xứ Oz” lần đầu tiên.

– Đừng lo, con yêu – Mẹ tôi nói khi em gái tôi gặp một cơn ác mộng – Ở đây chúng ta không có bão lớn. Những ngọn núi bảo vệ chúng ta mà.

Vài khoảnh khắc sau khi cơn bão trôi qua, mẹ tôi từ công ty vội vã gọi điện về nhà. Cũng giống như các nhà khí tượng học, mẹ tôi muốn giải thích nghiêm túc với em gái tôi.

Chà, thế mà chẳng có ai hỏi tôi. Nhưng có lẽ vào thời điểm đó thì tôi cũng không biết phải nói thế nào. Chỉ là, đến sau này, tôi mới nghĩ tôi có một lời giải thích. Đó là đôi khi, chẳng có gì để giải thích cả. Đôi khi, trên hành trình nhiều bất ngờ của chúng ta trong cuộc sống, mọi chuyện cứ thể xảy ra thôi – những chuyện thách thức bất kỳ sự miêu tả hay giải thích nào. Những thiên tai cứ xảy ra. Những hành động tồi tệ ngẫu nhiên cũng cứ xảy ra. Kể cả những việc tốt cũng cứ xảy ra – những việc chẳng hiểu vì sao cả. Đó là bản chất việc tồn tại của chúng ta trên hành tinh này. Đối với rất nhiều việc xảy ra trong cuộc sống, thì không một lời giải thích bình thường nào là hợp lý – hay cần thiết cả.

Tất nhiên, điều đó không ngăn chúng ta cố gắng giải thích những điều không thể giải thích. Mỗi lần một chuyện kiểu như thế xảy ra – dù tự nhiên hay do con người – chúng ta cũng muốn lắng nghe ý kiến các “chuyên gia”. Trong vòng 24h, tôi đã nghe rất nhiều lý thuyết về cơn bão bất thường. Nhưng nếu bạn lắng nghe thật kỹ, bạn sẽ thấy có một thông điệp chung, cơ bản trong đó: “Thôi nào, đôi khi mọi chuyện cứ xảy ra thôi” – chỉ có điều, mỗi người có một cách để nói điều này.

“..Bởi thành công, sự yên bình và hạnh phúc không liên quan nhiều đến những tác động từ bên ngoài…”

Và như thế cũng không sao. Bởi vì, thành công trong cuộc sống của chúng ta không được quyết định chỉ bởi những câu trả lời cho các câu hỏi “tại sao”. Bởi thành công, sự yên bình và hạnh phúc không liên quan nhiều đến những tác động từ bên ngoài, mà là đến cách chúng ta lựa chọn để phản ứng trước những tác động đó. Đây là vấn đề của thái độ sống. Bởi thực tế là, không ai trong chúng ta có thể kiểm soát được tất cả những gì xảy đến với mình. Chúng ta không thể đóng chai ánh nắng hoặc dập tắt những cơn gió. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng của mình trước những chuyện “cứ xảy ra”. Và nếu chúng ta có thể kiểm soát được những phản ứng đó, thì việc chuyện gì xảy ra đâu có quan trọng.

Hay là tại sao chúng xảy ra cũng vậy thôi.